Danh mục sản phẩm
Bài Viết Tham Khảo
Hotline: 0906 960 800 Email:
Bài Viết Tham Khảo

Bệnh Huyết Áp Và Những Điều Quan Trọng Cần Biết

Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch. 

Khái Quát Về Huyết Áp

Thông thường huyết áp vào ban ngày cao hơn ban đêm và có xu hướng hạ thấp nhất vào khoảng từ 1-3 giờ sáng. Từ 8-10 giờ sáng là khoảng thời gian huyết áp tăng cao nhất. Đặc biệt khi cơ thể vận động nhiều, thần kinh căng thẳng hoặc trải qua xúc động mạnh dễ dẫn đến huyết áp tăng lên. Ngược lại, khi cơ thể trong trạng thái nghỉ ngơi thư giản, huyết áp sẽ hạ xuống. 

Đơn Vị Đo Huyết Áp

Huyết áp được đo bằng đơn vị mi-li-mét thủy ngân (mmHg), được xác định bằng hai chỉ số, thường được viết dưới dạng một tỷ số.

Huyết Áp Tâm Thu

Huyết áp tâm thu là huyết áp tối đa. Đây là mức huyết áp cao nhất trong mạch máu. Huyết áp tâm thu là áp lực của máu lên động mạch khi tim ở trạng thái co bóp. Biểu thị là chỉ số lớn hơn hay chỉ số ở trên trong kết quả đo huyết áp. Huyết áp tâm thu thường thay đổi tùy theo độ tuổi, thường từ 90 đến 140 mmHg.

Huyết Áp Tâm Trương

Huyết áp tối thiểu được gọi là huyết áp tâm trương. Đây là huyết áp ở mức thấp nhất trong lòng mạch máu xảy ra giữa các lần tim co bóp. Huyết áp tâm trương là áp lực máu lên thành động mạch khi cơ tim được thả lỏng. Biểu thị là chỉ số nhỏ hơn hay chỉ số ở dưới trong kết quả đo huyết áp. Huyết áp tâm trương dao động trong khoảng từ 50 dến 90 mmHg.

Thế nào là chỉ số huyết áp bình thường? 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới trạng thái có lợi nhất cho tim mạch đó là mức huyết áp tâm thu thấp hơn 105 mmHg và mức huyết áp tâm trương thấp hơn 60 mmHg. Huyết áp bình thường được xác định khi huyết áp tâm thu nhỏ hơn 130 mmHg và huyết áp tâm trương nhỏ hơn 85mmHg.

Bảng phân loại chỉ số huyết áp theo độ tuổi

Huyết Áp Cao

Huyết áp cao xảy ra khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. 
Các bệnh liên quan tới việc tăng huyết áp đang là nguyên nhân gây tử vong số một tại Việt Nam, chiếm đến 33% tổng số ca tử vong trên cả nước. Một số biến chứng do tăng huyết áp gây ra như tai biến, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận,... hậu quả khiến người bệnh bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động. 

Huyết Áp Thấp

Huyết áp thấp là khi tình trạng áp lực vận chuyển máu của tim thấp hơn đáng kể so với chỉ số huyết áp trung bình (khoảng 120/80 mmHg). Giảm huyết áp là dấu hiệu cảnh báo cho một số vấn đề nguy hiểm xảy ra ở tim, thận, tuyến giáp và hệ thần kinh thực vật. 

Huyết áp cao và Huyết áp thấp có nguy hiểm hay không? 

Cả hai bệnh huyết áp cao và huyết áp thấp đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không nhận biết và chữa trị kịp thời. Đối với tăng huyết áp, đây được coi là “Kẻ giết người thầm lặng”. Cao huyết áp không phải lúc nào cũng thể hiện ra triệu chứng rõ ràng. Nhưng nó lại có thể dẫn tới tổn thương động mạch và tĩnh mạch, làm giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể, có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim, và suy tim. Các bộ phận khác của cơ thể như thận, chân tay và mắt cũng có thể bị tổn thương. Người bệnh có thể bị huyết áp cao trong nhiều năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Ngay cả khi không có triệu chứng, tổn thương mạch máu và tim vẫn tiếp tục và có thể được phát hiện. Huyết áp cao không được kiểm soát làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm đau tim và đột quỵ.

Huyết áp cao có khả năng tăng nguy cơ đau tim đột quỵ 

Đối với bệnh huyết áp thấp, huyết áp giảm đột ngột có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn, sự thay đổi chỉ 20 mmHg - giảm từ 110 mmHg tâm thu xuống 90 mmHg tâm thu - có thể gây chóng mặt và ngất xỉu khi não không nhận được lượng máu cung cấp đầy đủ. Và những vết thương do chảy máu không kiểm soát được, những tình trạng có sự mất nước nhanh và nghiêm trọng như tiêu chảy, nôn; tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc phản ứng dị ứng, có thể gây tử vong. 

Cách Phòng Ngừa Và Kiểm Soát Các Vấn Đề Về Huyết Áp

Các bệnh liên quan tới tăng và giảm huyết áp đều có khả năng dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, đề hạn chế và phòng ngừa tình trạng huyết áp cao hay huyết áp thấp mọi người cần phải quan tâm và chú ý tới chế độ sinh hoạt cũng như thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp của mình .

Chế độ ăn uống phù hợp

Một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp cải thiện cũng như phòng ngừa tình trạng tăng giảm huyết áp. 
 

Chế độ ăn uống dành cho bệnh huyết áp cao

Nguyên tắc chung để xây dựng chế độ ăn cho người bị cao huyết áp: 

Cần hạn chế muối trong chế độ ăn của người bệnh cao huyết áp

  • Hạn chế lượng muối ăn vào < 5g/ngày
  • Hạn chế thực phẩm có nhiều cholesterol và axit béo no
  • Hạn chế đồ ăn nhanh: mì tôm, bánh mặn, gà rán, khoai tây chiên,...
  • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn: thịt muối, cá muối, giò, chả, pate, dưa muối, cà muối, phủ tạng động vật, mỡ động vật, bơ, trứng.
  • Bổ sung canxi, chất xơ, kali, magie, vitamin C,A,E từ rau xanh, củ quả chín, sữa và một số thực phẩm hải sản (sứa, tôm, tảo biển,...) 

Chế độ ăn uống dành cho bệnh huyết áp thấp

Đối với người mắc bệnh huyết áp cần lưu ý tăng cường chế độ ăn như sau: 

Tăng cường thịt gà, cá, rau củ,...vào bữa ăn đối với người huyết áp thấp

  • Tăng cường các thực phẩm như thịt gà, cá và rau củ quả vào chế độ ăn.
  • Nên dùng các loại trà đặc, trà gừng , tuy nhiên không nên lạm dụng.
  • Bổ sung mật ong, sữa, nước chanh đường, nhất là khi cảm thấy chóng mặt, choáng váng.
  • Tránh để cơ thể thiếu nước, nhất là sau khi tập thể thao hay khi thời tiết nắng nóng, lượng nước sẽ cung cấp kali và natri cho cơ thể.
  • Tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất sắt như gan động vật, thịt nạc, tôm cá, ngũ cốc, nấm hương, nấm mèo, rau dền, rau đay, nước nho, hạt sen, táo tàu, quả dâu, lựu, táo…
  • Những loại gia vị như hành, tỏi, gừng, tiêu, bơ, dấm, rượu vang…  cũng rất tốt cho người bị huyết áp thấp.

Kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên

Kiểm tra huyết áp thường xuyên đề phòng nguy cơ bị bệnh liên quan tới huyết áp

Thường xuyên theo dõi huyết áp có thể bảo vệ khỏi nhiều nguy hiểm, bởi huyết áp cao hoặc thấp làm tăng nguy cơ các bệnh nặng. Thường xuyên hơn cả là ảnh hưởng tới tim và mạch máu não, mắt và thận, gây ra các cơn đau tim, đột quỵ, suy tim và thận, các vấn đề về thị giác dẫn đến mù lòa. 

Luyện tập thể dục đều đặn để điều hoà huyết áp


Bên cạnh chế độ ăn uống phù hợp, các bệnh nhân có tiền sử không tốt về huyết áp nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao giúp hệ tim mạch tuần hoàn tốt hơn, cơ thể dẻo dai, giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể nhanh chóng và đều đặn. Nên áp dụng các bài tập đi bộ, chạy bộ, thái cực quyền, yoga dưỡng sinh...để hỗ trợ tốt cho người có tiền sử huyết áp. 

Mặc dù thực tế khi huyết áp tăng giảm đột ngột sẽ kèm theo một số triệu chứng - nhức đầu, xuất hiện màng mờ trước mắt, mất ý thức, khó thở, chóng mặt, tức ngực, mạch nhanh, chảy máu từ mũi. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Đối với nhiều người, hoàn toàn không có những dấu hiệu đã nêu - đó chính là một kẻ giết người thầm lặng.
 
Vì vậy, đo huyết áp thường xuyên (tốt nhất là hàng ngày) nên được thực hiện như việc đánh răng của bạn vậy. Ngay có khi cảm thấy khỏe mạnh, bạn cũng vẫn nên đo huyết áp.
 
Hi vọng rằng bài viết về Huyết Áp đến từ medishop.com đã giúp bạn nắm được những thông tin cơ bản nhưng vô cùng quan trọng về huyết áp. Từ đó, chăm sóc bản thân và gia đình tốt hơn. 
Tham vấn bởi Bác Sỹ:
bình luận trên bài viết “Bệnh Huyết Áp Và Những Điều Quan Trọng Cần Biết

Viết bình luận

Gọi ngay Zalo chat
FB chat